Lịch sử VTV

Thành lập trong chiến tranh (1953 - 1975)

Cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ Lâm thời đã thành lập Bộ phận Điện ảnh và Nhiếp ảnh thuộc Bộ thông tin - Tuyên truyền; hoạt động chủ yếu của bộ phận này là tổ chức đoàn chiếu phim lưu động chiếu ở những nơi công cộng và lập toa xe điện ảnh đi chiếu phim dọc quốc lộ 1 từ bắc vào nam bằng một máy chiếu Débri 16 mm và hai bộ phim tài liệu về phái đoàn Phạm Văn Đồng tại Pháp do Việt kiều gửi về.[2]

Năm 1953, tại chiến khu Việt Bắc, chính phủ thành lập Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam, nhưng các nhà làm phim thời kỳ này mới sản xuất được các phim tài liệu ngắn, như Giữ làng giữ nước (1953), Điện Biên Phủ (1954). Năm 1956, Xưởng phim thời sự tài liệu tách khỏi Xương phim Việt Nam và đến năm 1989 thì đổi tên thành Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương.[2]

Từ giữa năm 1965, Mỹ đã tăng cường phạm vi tuyên truyền bằng cách xây dựng một hệ thống các đài truyền hình để tuyên truyền cho bản thân và chính quyền Sài Gòn. Để ứng phó, từ năm 1967, Đài tiếng nói Việt Nam đã bắt đầu chuẩn bị cho việc thành lập một đài truyền hình của miền bắc, ông Trần Lâm lúc đó đang là giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã ký hiệp định hợp tác với Viện Phát thanh Truyền hình Cuba, 18 nhân viên của Đài Tiếng nói Việt Nam đã được cử sang Cuba để học tập các khâu làm truyền hình.[2]

Năm 1968, Xưởng phim Vô tuyến truyền hình được thành lập, xưởng phim này có nhiệm vụ là sản xuất phim vô tuyến truyền hình (16 mm) để gửi cho các đài truyền hình nước ngoài tuyên truyền về cuộc chiến đấu và xây dựng đất nước tại Việt Nam.[2]

Ngày 7 tháng 9 năm 1970, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát sóng tín hiệu truyền hình đầu tiên, sang năm 1971 thì thành lập Ban biên tập Vô tuyến truyền hình. Năm 1972 việc phát sóng bị gián đoạn do chiến sự leo thang và Đài Tiếng nói Việt Nam buộc phải sơ tán. Năm 1973, Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng chương trình đầu tiên trên màn hình đen-trắng. Năm 1975, sau khi toàn thắng trước chính quyền Sài Gòn, Đài tiếng nói Việt Nam và Đài Giải phóng A đã cùng Đài giải phóng B miền Đông Nam bộ đã tiếp quản toàn bộ hệ thống phát thanh, truyền hình của chính quyền cũ.[2]

Phát triển trong hòa bình (1976 - nay)

Năm 1976, trung tâm truyền hình được xây dựng tại Giảng Võ; năm 1977, Ban biên tập Vô tuyến truyền hình tách khỏi Đài Tiếng nói Việt Nam, thành lập Đài Truyền hình Trung ương và chuyển trụ sở tới đây. Cũng trong giai đoạn này, đài chuyển từ phát sóng đen-trắng sang phát sóng truyền hình màu, đồng thời xây dựng Đài phát sóng truyền hình Tâm Đảo để phủ sóng toàn miền bắc và xây dựng các đài truyền hình địa phương.[2]

Năm 1987, Đài Truyền hình Trung ương đổi tên thành Đài Truyền hình Việt Nam. Năm 1990, đài bắt đầu phát sóng kênh truyền hình thứ hai, từ đây kênh được chia thành VTV1VTV2; đến năm 1991, kênh VTV1 được phát sóng vệ tinh để các đài địa phương thu phát lại toàn quốc. Kênh VTV3 được thành lập năm 1996, đến năm 1998 kênh này cũng được phát sóng qua vệ tinh. Các kênh VTV4, VTV5 (và các kênh khu vực), VTV6, VTV7, VTV8, VTV9 bắt đầu lên sóng lần lượt trong các năm sau đó.[2]

VTV3 là kênh đầu tiên được phát sóng chuẩn HD từ năm 2013, các kênh còn lại cũng lần lượt được nâng chuẩn phát sóng vào những năm tiếp theo.[2] Từ 2013 đến nay, các kênh đều phát sóng SD và HD song song. Riêng từ ngày 1 đến 7 tháng 1 năm 2020, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện đồng bộ luồng kênh SD với HD cho tất cả các kênh (ngoại trừ kênh VTV5 Tây Nam Bộ và VTV5 Tây Nguyên). Đến ngày 8 tháng 1 năm 2020 thì các kênh đã trở lại phát song song 2 tín hiệu SD và HD.

Những dấu mốc quan trọng

  • 9h30 ngày 7 tháng 9 năm 1970: Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng thử nghiệm chương trình truyền hình đầu tiên. Đây là buổi phát sóng đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), chương trình gồm 15 phút thời sự và 30 phút ca nhạc.
  • 1971: Thành lập Ban vô tuyến truyền hình.
  • Từ ngày 16 tháng 4 năm 1972: Truyền hình phải tạm thời ngừng phát sóng do chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ bằng không quân.
  • 1973: Truyền hình Việt Nam phát sóng chính thức
  • 1976: Trung tâm truyền hình được xây dựng ở Giảng Võ, Hà Nội
  • 18 tháng 6 năm 1977: Ban biên tập Vô tuyến truyền hình tách khỏi Đài Tiếng nói Việt Nam, chuyển thành Đài Truyền hình Trung ương và chuyển tới địa điểm mới.
  • Tháng 9 năm 1978: Thử nghiệm hệ phát hình màu (hệ SECAM)
  • 1986: Đài Truyền hình Trung ương chính thức chuyển từ hệ phát hình đen - trắng sang hệ phát hình màu
  • 30 tháng 4 năm 1987: Đài Truyền hình Trung ương đổi tên thành Đài Truyền hình Việt Nam
  • 1 tháng 1 năm 1990: Đài bắt đầu phát sóng 2 kênh: VTV1 và VTV2
  • Tháng 2 năm 1991: Phát sóng vệ tinh kênh VTV1 để các đài địa phương thu và phát lại nhằm phủ sóng toàn quốc.
  • 27 tháng 8 năm 1992: Thành lập Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV), liên doanh giữa VTV với Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist)
  • Tháng 6 năm 1994: Hợp tác cùng HTV trong việc chia sẻ bản quyền các trận đấu thuộc World Cup 1994. Đây là giải bóng đá lớn trên thế giới đầu tiên phát sóng trên VTV.
  • Năm 1995: Áp dụng logo VTV trên sóng (logo chữ V nhọn, T cạnh vuông, được dùng đến 2 tháng 2 năm 2010)
  • 1 tháng 4 năm 1995: Phát sóng thử nghiệm kênh VTV3
  • 20 tháng 9 năm 1995: Thành lập Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật Truyền hình cáp MMDS (VCTV)
  • 31 tháng 3 năm 1996: kênh VTV3 phát sóng chính thức.
  • 1 tháng 4 năm 1996: VTV4 phát sóng thử nghiệm.
  • 19 tháng 11 năm 1996: Thành lập Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình (TVAd).
  • 6 tháng 2 năm 1997: Thực hiện chương trình hòa sóng đêm giao thừa đầu tiên trên VTV.
  • 1 tháng 4 năm 1998: VTV4 được phát sóng chính thức.
  • Trong năm 1998: Áp dụng đồ họa dựng phi tuyến, trang bị trạm thu vệ tinh chuyên dụng hiện đại phục vụ việc trực tiếp World Cup.
  • Trong năm 1999: Áp dụng đồ họa bản đồ dự báo thời tiết
  • Đầu năm 2000: Áp dụng logo nhận diện mới (logo chũ V hình cánh cung, dùng chính thức từ 2004 với các kênh khu vực, từ tháng 2 năm 2010 cho các kênh sóng)
  • 27 tháng 4 năm 2000, VTV4 được phát trên mạng toàn cầu qua 3 quả vệ tinh phủ sóng toàn bộ châu Á, châu Âu, Bắc Phi, Bắc Mỹ.
  • Tháng 3 năm 2001: Chuẩn DVB-T được chính thức chọn làm chuẩn phát sóng số mặt đất của VTV.
  • 1 tháng 7 năm 2002: Bắt đầu phát kênh VTV5 phục vụ đồng bào thiểu số bằng tiếng dân tộc.
  • 10 tháng 10 năm 2003: Phát sóng bản tin thời sự đầu tiên dành cho người khiếm thính trên VTV2 vào lúc 22h hằng ngày, dưới dạng phát lại bản tin Thời sự 19h.
  • Tháng 1 năm 2004: Thay đổi diện mạo và tên gọi, tổ chức ở Các đài truyền hình khu vực trực thuộc đài (Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, Phú Yên).
  • Trong năm 2004: Lên sóng thử nghiệm chương trình Dự báo thời tiết có MC dẫn, thay đổi đồ họa thời tiết và kỹ thuật quét ảnh mây vệ tinh. Đây là bước đột phá về công nghệ truyền hình của VTV.
  • Tháng 10 năm 2004: Mạng DTH được chính thức khai trương song song với mạng truyền hình cáp và MMDS
  • Tháng 12 năm 2005: Dịch vụ Internet băng thông rộng được chính thức khai trương trên mạng DTH và Truyền hình cáp
  • 1 tháng 6 năm 2006: Kênh VTV3 nâng thời lượng chính thức phát sóng lên 24/7.[3]
  • 2007: Tăng thêm 1 kênh quảng bá và 1 kênh khu vực, gồm: VTV6 (kênh truyền hình dành riêng cho giới trẻ, phủ sóng toàn quốc từ ngày 29/04/2007) và VTV9 (phát sóng tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, đồng thời trên hệ thống cáp VCTV từ ngày 08/10/2007).
  • 2008: VTV hợp tác cùng ADT mua bản quyền các giải đấu bóng đá, thể thao, v.v
  • Tháng 5 năm 2009: VTV liên doanh với hãng truyền hình Canal+ (Pháp), thành lập Công ty TNHH Truyền hình số Vệ tinh Việt Nam (VSTV - K+)
  • Trong năm 2009: Phát thử nghiệm TVMobile tại Hà Nội, hoàn thiện cấp phép phát sóng hệ T-DMB trên cả nước.
  • Năm 2011: VTV hợp tác cùng ADT Group Holdings khai thác khung giờ quảng cáo vàng C11 (từ Dự báo thời tiết đến chuyên mục Thể thao 24/7) trong chương trình Thời sự 19h trên VTV1, VTV3 & VTV5.
  • 1 tháng 4 năm 2011: Bản tin thời sự 22h - Dành cho người khiếm thính trên VTV2 sử dụng người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu, thay cho việc hiển thị phụ đề ở dưới màn hình.
  • 15 tháng 6 năm 2011: VTV1 chính thức phát sóng liên tục 24/7 cung cấp thông tin nhanh nhất về các vấn đề thời sự - chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn học - nghệ thuật cho khán giả trong và ngoài nước.
  • Trong năm 2011: Lựa chọn chuẩn DVB-T2 làm chuẩn phát sóng trên VTV. Khánh thành giai đoạn 1 của tòa nhà VTV.
  • 2012: Đưa vào sử dụng Trạm truyền dẫn vệ tinh băng tần C tại Hà Nội, đảm bảo truyền dẫn vệ tinh theo tiêu chuẩn DVB-S2, mã hóa MPEG-4.Triển khai số hoá tư liệu hình ảnh.
  • 2013: VTV lần này cũng sử dụng logo chữ V có cạnh hình cánh cung nhưng dễ nhìn, nổi bật và đẹp hơn so với trước đó.
  • 31 tháng 3 năm 2013: Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng thử nghiệm kênh VTV3 chuẩn tín hiệu HD và từ ngày 1 tháng 6 cùng năm, phát sóng chính thức theo lộ trình.
  • 7 tháng 5 năm 2013: Truyền hình cáp Việt Nam đổi tên thương hiệu thành Tổng Công ty Truyền hình Cáp Việt Nam, logo thương hiệu từ VCTV sang VTVCab.
  • 7 tháng 9 năm 2013: Phát sóng kênh VTV6 chuẩn tín hiệu HD, nâng tổng số kênh HD của kênh VTV lên thành 2 kênh.
  • Tháng 10 năm 2013: Ra mắt Ban Thể thao (Trung tâm Sản xuất các chương trình Thể thao - SVTV)..
  • Cuối năm 2013: Ra mắt Trung tâm tin tức VTV24.
  • 31 tháng 3 năm 2014: kênh VTV1 HD chính thức phát sóng, nâng tổng số kênh HD của VTV lên thành 3 kênh.
  • Trong năm 2014: Triển khai lắp đặt trạm phát sóng DVB-T2 trên toàn quốc.
  • 10 tháng 10 năm 2014: VTV, Trung tâm tin tức VTV24 hợp tác cùng ADT thực hiện chương trình tin tức "Chuyển động 24h".
  • Từ ngày 5 tháng 5 năm 2014 đến ngày 1 tháng 5 năm 2016: Bản tin Thời sự 22h - Dành cho người khiếm thính trên VTV2 được phát sóng trực tiếp, thay vì phát sóng dưới dạng phát lại bản tin Thời sự 19h trước đây. Từ ngày 2 tháng 5 năm 2016: Bản tin Thời sự 22h - Dành cho người khiếm thính trên VTV2 đã quay trở lại lại việc phát sóng dưới dạng phát lại bản tin Thời sự 19h, ngoại trừ các sự kiện đột xuất và ngày 29 hoặc 30 Tết.
  • Tháng 1 năm 2015: Chính thức ra mắt chương trình VTV Đặc biệt, đánh dấu bước phát triển mới của Đài Truyền hình Việt Nam.
  • 2015: VTV ra mắt dịch vụ truyền hình online VTVgo
  • 3 tháng 4 năm 2015: Chính thức ra mắt dịch vụ cập nhật tin tức Alo!VTV. Dịch vụ này hoạt động đến năm 2016
  • Trong năm 2015: lên sóng phiên bản HD của các kênh VTV2 (19/05), VTV4 (24/06), VTV5 (01/07), VTV9 (28/08)
  • 20 tháng 11 năm 2015: phát thử nghiệm kênh VTV7 & VTV7 HD trên hạ tầng Truyền hình số mặt đất DVB-T2, Truyền hình cáp Việt Nam (VTVCab) và Truyền hình số vệ tinh K+.
  • 1 tháng 1 năm 2016: VTV chính thức lên sóng bốn kênh truyền hình quảng bá: VTV7 - Kênh Truyền hình Giáo dục Quốc gia, VTV8 - Kênh Truyền hình Quốc gia hướng tới khu vực Duyên hải Trung Bộ & Tây Nguyên, VTV9 - Kênh Truyền hình Quốc gia hướng tới khu vực Nam Bộ và VTV5 Tây Nam Bộ - Kênh truyền hình tiếng dân tộc thiểu số dành cho đồng bào khu vực Tây Nam Bộ. Trong đó, VTV8 là diện mạo mới dành cho 3 kênh truyền hình khu vực miền Trung của VTV là VTV Huế, VTV Đà Nẵng và VTV Phú Yên; VTV9 (phiên bản 1) và VTV Cần Thơ 1 sáp nhập với nhau thành kênh VTV9 (phiên bản 2), VTV5 Tây Nam Bộ là phiên bản mới của kênh VTV Cần Thơ 2, theo Đề án Quy hoạch Báo chí quốc gia đến năm 2025.
  • 9h00 ngày 17 tháng 10 năm 2016: Phát sóng kênh VTV5 Tây Nguyên với thời lượng 24/7, gồm 10 thứ tiếng dân tộc thiểu số tại khu vực Tây Nguyên: Ê Đê, Ba Na, Gia Rai, M’Nông, K’Ho, Giẻ Triêng, Xơ Đăng, Chu Ru, RaglaiChăm. Các chương trình của 10 thứ tiếng dân tộc Tây Nguyên trên kênh VTV5 Quốc gia được chuyển sang kênh VTV5 Tây Nguyên.
  • 6 tháng 9 năm 2017: Khánh thành Tòa nhà Trung tâm Truyền hình Việt Nam.
  • Từ 0h04 ngày 1 tháng 4 năm 2018 (theo giờ Việt Nam), Đài Truyền hình Việt Nam ngừng phủ sóng vệ tinh nước ngoài kênh VTV4 thông qua các vệ tinh Thaicom5 (khu vực châu Á và Bắc Phi), Eutelsat Hot Bird 13B (khu vực châu Âu), Hispasat 30W-5 (khu vực Nam Mỹ), Galaxy 19 (khu vực Bắc Mỹ). Ngoài kênh VTV4, Đài Truyền hình Việt Nam đã đưa tín hiệu của các kênh truyền hình còn lại gồm VTV1, VTV2, VTV3, VTV5, VTV5 Tây Nam Bộ, VTV5 Tây Nguyên, VTV6, VTV7, VTV8VTV9 thông qua set-top box VTVgo từ ngày 01/04/2018.
  • Từ ngày 1 tháng 1 năm 2020 đến ngày 7 tháng 1 năm 2020, VTV thực hiện thử nghiệm đồng bộ luồng kênh SD & HD cho tất cả các kênh sóng của Đài.
  • Từ ngày 16 tháng 3 năm 2020: Việt Nam Hôm nay là chương trình tin tức - thời sự thứ 2 của Đài dành cho người khiếm thính, sau bản tin Thời sự 22h trên kênh VTV2
  • Ngày 18 tháng 3 năm 2020: Chính phủ ban hành Nghị định 34/2020/NĐ-CP, trong đó sửa đổi và bổ sung điều 3 của Nghị định 02/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Truyền hình Việt Nam[4][5]
  • Từ ngày 19 tháng 3 năm 2020 đến hết dịch COVID-19, do yêu cầu chỉ đạo công tác phòng chống đại dịch COVID-19 tại Việt Nam, cũng như đề phòng mọi trường hợp xấu nhất, VTV rút ngắn thời gian phát sóng của các kênh (trừ VTV1VTV4) xuống 19/7 (tức từ 5h - 24h), riêng VTV7 giữ nguyên thời gian phát sóng là 18/7 (túc từ 6h - 24h).
  • Dự kiến từ ngày 15 tháng 4 năm 2020, Các kênh VTV sẽ phát trở lại 24/7. (Chỉ VTV7 Phát sóng 18/7).